HaLinhCompany

Tin tức

Thực trạng phát triển các doanh nghiệp sản xuất/cung cấp nguyên phụ liệu Công nghiệp tại Việt Nam

Ở Việt Nam, cho đến nay, chưa có một cuộc điều tra toàn diện nào về ngành sản xuất nguyên phụ liệu Công nghiệp (rộng hơn là Công nghiệp phụ trợ) được tiến hành, song để đánh giá thực trạng của ngành, chúng ta có thể dựa trên một số kết quả khảo sát, điều tra mẫu và nghiên cứu do các cơ quan khác nhau tiến hành (Tổng cục Thống kê, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản - JETRO và nhất là Diễn đàn Phát triển Việt Nam – VDF1).

Bulong, ốc vít kỹ thuật do HalinhCompany cung cấp

Theo Báo cáo tháng 6/2017 của VDF, các nhà sản xuất Nhật Bản cho rằng ngành sản xuất nguyên phụ liệu Công nghiệp của Việt Nam còn chậm phát triển. Tỷ lệ nội địa hoá của các nhà sản xuất Nhật Bản tại Việt Nam mới chỉ đạt 25% vào năm 2016, trong khi ở Malaixia và Thái Lan tỷ lệ này là 45% hoặc cao hơn. Còn theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), khi thực hiện cuộc khảo sát hơn 80 doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, có tới 32 doanh nghiệp cho rằng việc cung ứng nguyên phụ liệu công nghiệp, linh phụ kiện và các hoạt động kinh tế phụ trợ của Việt Nam rất kém. Các doanh nghiệp FDI rất muốn phối hợp với các nhà cung cấp trong nước để giảm chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, nhưng rất khó có thể tìm được nhà cung cấp thích hợp. Đôi khi, họ phải tìm các nhà cung cấp tiềm năng thông qua niên giám điện thoại hoặc dựa vào các mối quan hệ cá nhân của nhân viên, nhưng tiếp cận hàng trăm đơn vị mới tìm được một nhà cung cấp đạt yêu cầu.

Nguyên nhân của những yếu kém kể trên là do các nhà cung cấp nguyên phụ liệu, vật liệu phụ như bulong, ốc vít, bản lề tủ điện, gioăng cao su, đinh hàn, phụ liệu ngành hàn... của Việt Nam chưa năng động và nhạy bén trong việc tiếp cận khách hàng, chưa tự tin và chưa có khái niệm “xây dựng quan hệ” trong kinh doanh. Ngoài ra, các doanh nghiệp phụ trợ hiện vẫn chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước, sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng kém và giá thành cao (do công nghệ lạc hậu, trình độ quản lý kém...) nên chỉ tiêu thụ được trong nội bộ các doanh nghiệp nhà nước. Trên thực tế luôn tồn tại một khoảng cách quá lớn giữa yêu cầu về chất lượng sản phẩm, giá bán cũng như thời hạn giao hàng của các doanh nghiệp nước ngoài so với khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp cung cấp nguyên phụ liệu Công nghiệp Việt Nam.

Thực trạng phát triển ngành sản xuất nguyên phụ liệu Công nghiệp có thể được đánh giá thông qua khả năng cung cấp linh phụ kiện, vật liệu phụ và tỷ lệ nội địa hóa trong một số ngành công nghiệp chế tác của Việt Nam như sau:

- Ngành ô tô

Theo lộ trình, các nhà sản xuất ôtô trong nước cần phải tăng dần tỷ lệ nội địa hóa nhằm từng bước phát triển công nghiệp ôtô Việt Nam. Điều này sẽ góp phần giải quyết việc làm cho người lao động và thu hút công nghệ hiện đại vào Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay, phần lớn các nhà sản xuất trong nước chưa chú trọng đến việc này mà thường chỉ nhập linh kiện rồi tiến hành lắp ráp, khiến chi phí sản xuất tăng cao. Sự yếu kém của việc cung cấp nguyên phụ liệu công nghiệp trong ngành sản xuất ô tô đang là trở lực lớn để có thể phát triển ngành công nghiệp non trẻ này. Hiện Việt Nam có tới 50 doanh nghiệp lắp ráp ôtô, nhưng chỉ có trên 60 doanh nghiệp cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện là quá thấp so với con số 385 doanh nghiệp ở Malaixia và 2.500 doanh nghiệp ở Thái Lan.

Theo tính toán, một doanh nghiệp ôtô phải cần tối thiểu 20 nhà cung cấp các loại linh kiện khác nhau. Nhưng cho đến nay chưa doanh nghiệp lắp ráp ôtô nào tại Việt Nam có được 20 nhà cung cấp linh kiện trong nước. Ngay cả những liên doanh ôtô tên tuổi như Toyota, Ford... có hệ thống các nhà cung cấp linh kiện lớn cũng chưa lôi kéo được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam. Trên thực tế, thời gian qua, các doanh nghiệp lắp ráp ôtô chỉ có 2-3 nhà cung cấp linh kiện trong nước. Do vậy, nhiều doanh nghiệp phải phụ thuộc vào nguồn linh kiện nhập khẩu. Ngay như Toyota, năm 2015 nhập khẩu linh kiện trị giá 460 triệu USD trong khi giá trị linh kiện sản xuất trong nước chỉ đạt 2,3 triệu USD.

Gioăng cao su do HaLinhCompany cung cấp

- Ngành xe máy

Việt Nam hiện có trên 230 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng cung cấp cho các doanh nghiệp lắp ráp xe máy, trong đó có hơn 80 doanh nghiệp có vốn ĐTNN. Tỷ lệ nội địa hóa đối với một số loại xe máy sản xuất tại Việt Nam đạt mức khá cao (từ 40-70%) do trong những năm gần đây nhu cầu xe máy tăng đột biến tạo nên thị trường rộng lớn cho sản xuất nguyên phụ liệu công nghiệp. Tuy nhiên, các linh phụ kiện sản xuất trong nước chủ yếu do các liên doanh sản xuất xe máy tự sản xuất hoặc mua từ các công ty có vốn ĐTNN khác. Số doanh nghiệp thuần túy trong nước có đủ năng lực cung cấp linh phụ kiện cho lắp ráp xe máy rất ít. Đơn cử, trong hàng trăm doanh nghiệp nội địa, hãng Honda đến năm 2013 chỉ chọn ra được 45 doanh nghiệp có khả năng cung cấp đủ chất lượng (so với con số 15 đơn vị năm 2008).

- Ngành dệt may

Cung cấp nguyên phụ liệu Công nghiệp cho ngành dệt may còn nhiều bất cập và yếu kém. Năng lực các nhà máy cơ khí chuyên ngành dệt may hiện tại quá nhỏ bé, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp trong ngành. Ngay cả Tổng công ty Dệt may Việt Nam (Vinatex), mặc dù có tiềm lực lớn trong sản xuất và xuất khẩu, nhưng việc phát triển các doanh nghiệp phụ trợ trong Tổng công ty còn gặp nhiều khó khăn và đây cũng là khó khăn chung của ngành dệt may Việt Nam. Các doanh nghiệp dệt may vẫn phải nhập 70-80% nguyên phụ liệu từ nước ngoài. Mặc dù thời gian qua có một số nhà máy như Công ty cổ phần phụ liệu may Nha Trang, Công ty may Việt Tiến, Công ty dệt vải công nghiệp và các công ty tư nhân đã sản xuất được nhiều loại nguyên phụ liệu như khóa kéo, tấm lót, cúc, chỉ,... nhưng sản lượng còn rất thấp, chỉ đáp ứng được khoảng 20-25% nhu cầu của ngành.

- Ngành điện tử, điện máy

Sau 40 năm phát triển, ngành điện tử Việt Nam vẫn trong tình trạng lắp ráp cho các thương hiệu nước ngoài. Các doanh nghiệp điện tử trong nước vẫn gần như chỉ khai thác sản phẩm cũ, lợi nhuận rất thấp và giá trị gia tăng chỉ ước tăng 5-10%/năm. Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI trong ngành điện tử, điện máy đang đứng trước sức ép phải giảm chi phí linh phụ kiện và nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm sản xuất trong nước. Tuy nhiên, do số doanh nghiệp phụ trợ rất ít, chất lượng linh phụ kiện chưa đảm bảo nên phần lớn các doanh nghiệp FDI phải nhập khẩu linh phụ kiện từ các nước xung quanh hoặc trực tiếp từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, các doanh nghiệp FDI có "tên tuổi" đều phải nhập khẩu trên 90% linh kiện của nước ngoài, thậm chí có doanh nghiệp nhập khẩu cả 100% như Công ty Samsung Việt Nam. Điều này vừa gây thiệt thòi cho ngành công nghiệp Việt Nam, khiến chúng ta khó thoát khỏi tình trạng gia công, lắp ráp, vừa giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp hàng điện tử trong nước. Việc thiếu vắng các nhà cung cấp linh phụ kiện, nguyên phụ liệu Công nghiệp cũng khiến nhiều nhà ĐTNN trong lĩnh vực này có xu hướng ngại đầu tư vào Việt Nam và đây là điểm yếu căn bản trong thu hút FDI vào lĩnh vực điện-điện tử.

Phụ liệu Hàn do Halinhcompany cung cấp

Bên cạnh đó, Việc cung cấp nguyên phụ liệu Công nghiệp, vật liệu phụ trong ngành điện tử, điện máy còn phải đối mặt với sự thay đổi môi trường quốc tế. Trong thời gian tới, do việc thực thi CPTPP, AFTA và các cam kết với WTO, linh phụ kiện nhập khẩu sẽ có thêm cơ hội thâm nhập thị trường Việt Nam, đặc biệt là linh phụ kiện từ Trung Quốc, Thái Lan.

---------------

(1) Diễn đàn Phát triển Việt Nam (Vietnam Development Forum - VDF), được thành lập năm 2004 trong khuôn khổ Dự án hợp tác nghiên cứu giữa Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội và Viện Quốc gia sau đại học về Nghiên cứu chính sách (National Graduate Institute for Policy Studies - GRIPS) ở Tokyo (Nhật Bản) với nguồn tài trợ của Chính phủ Nhật Bản.

HaLinh Company biên tập và tổng hợp từ nguồn "TC TT và DB KT-XH".

Cảm ơn bạn đã phản hồi. Chúng tôi sẽ kiểm duyệt trước khi đăng. Mời bạn tiếp tục truy cập website.